Thị trường mã thông báo không thể thay thế (NFT) đang dấy lên lo ngại cho các hoạt động rửa tiền phi pháp. Reuters ước tính rằng doanh số bán NFT đạt khoảng 25 tỷ USD vào năm 2021 và các mặt hàng riêng lẻ đã được bán với giá lên tới hơn 90 triệu USD (NFT CryptoPunk).

NFT là gì?

NFT là tài sản kỹ thuật số đại diện cho các sản phẩm trong thế giới thực như nghệ thuật, tranh ảnh, âm nhạc, vật phẩm game, video… Chúng được mã hóa trên blockchain để mua bán online bằng tiền điện tử.. Giống như tác phẩm nghệ thuật vật lý hoặc đồ sưu tầm, NFT là duy nhất hoặc có số lượng hạn chế, điều đó có nghĩa là giá trị của NFT là chủ quan.

Rửa tiền qua NFT là gì? 

Quy định về NFT hiện nay vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, các cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế hiện chưa thống nhất hướng dẫn quy định trực tiếp và áp dụng phổ biến về luật mua bán trao đổi NFT nên còn nhiều sơ hở trong quy định.

Với số lượng tiền điện tử ngày càng tăng và thường được sử dụng để thanh toán cho NFT, có những lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để phá vỡ các quy tắc chống rửa tiền (AML) đang mở rộng đối với nghệ thuật truyền thống.

Ví dụ: Theo Chỉ thị AML lần thứ năm của EU, bất kỳ ai tham gia mua hoặc bán một tác phẩm nghệ thuật với giá hơn €10.000 đều có nghĩa vụ thực hiện luật AML, phải thực hiện Thẩm định khách hàng (CDD) và báo cáo mọi hoạt động đáng ngờ.

Vì Chỉ thị không định nghĩa thế nào là ‘tác phẩm nghệ thuật’ hoặc đề cập đến NFT, nên không rõ liệu NFT có thể được coi là tác phẩm nghệ thuật hay không và có phải tuân theo các thông lệ AML/CFT và yêu cầu xác minh danh tính người mua (KYC) theo phán quyết này.

Tuy nhiên, năm 2020, EU đã đề xuất một quy định có thể áp dụng cho NFT. Quy định về thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) định nghĩa NFT là “đại diện kỹ thuật số về giá trị và quyền có thể được chuyển giao bằng điện tử, sử dụng công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự”.

NFT có thể thuộc danh mục ‘tài sản tiền điện tử khác’ được đề cập trong quy định, có nghĩa là các tổ chức phát hành không có nghĩa vụ cấp phép cụ thể, nhưng được yêu cầu phải là một pháp nhân (ngay cả khi được thành lập bên ngoài EU) và yêu cầu tuân thủ các hoạt động kinh doanh và quản trị. 

Bên cạnh đó, tại Mỹ, mặc dù không có hướng dẫn quy định trực tiếp về NFT, nhưng một số tiểu bang đã tạo ra luật có thể giữ NFT trong phạm vi quản lý của họ.

Trong mấy năm gần đây, NFT trở thành xu hướng vì chúng đang trở thành một cách thức phổ biến và sáng tạo để mua bán tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số không biên giới. Chúng ta thường đọc được tin các tác phẩm NFT được mua lại bởi những tay chơi giấu mặt với giá trị lên đến hàng triệu USD mà với nhiều người nó chỉ là những bức hình “vô nghĩa”.

Chính bởi tính chủ quan của nghệ thuật là lý do khiến nó được sử dụng như một phương tiện rửa tiền trong nhiều thế kỷ nay mà vẫn nằm ngoài tầm ngắm của các nhà chức trách.

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng thị trường nghệ thuật kỹ thuật số mới nổi NFT có thể dẫn đến những rủi ro mới về rửa tiền. Rửa tiền thông qua NFT hoạt động như thế nào?

Năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ rửa tiền NFT trong lĩnh vực nghệ thuật. Khả năng chuyển một số NFT qua internet xuyên biên giới gần như ngay lập tức mà không phát sinh các vấn đề tài chính, quy định, hoặc chi phí kiểm tra lô hàng khiến việc kiểm soát hoạt động này gặp khó khăn.

Cơ quan này cũng cho biết, loại tội phạm này có thể rửa tiền bằng cách tự mua bán NFT. Về cơ bản là chúng chuyển tiền từ túi trái qua túi phải thông qua việc giao dich NFT giữa các tài khoản khác nhau. Sau đó, chúng chỉ việc công bố rằng số tiền đó chúng kiếm được từ hoạt động bán NFT và người mua thì thường là một ẩn số. 

Theo hướng dẫn của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), phần lớn rủi ro và quy định liên quan đến NFT và rửa tiền sẽ phụ thuộc vào cách thức hoạt động và bản chất của tài sản được giao dịch.

Tại sao thị trường NFT hấp dẫn để rửa tiền?

Với sự biến động của thị trường NFT, việc xác định mức giá hợp lý cho một mặt hàng có thể rất phức tạp, khiến việc rửa tiền bằng NFT tiềm năng trở nên dễ dàng hơn.

Và mặc dù các giao dịch NFT có mã duy nhất được ghi trên sổ cái công khai, nhưng người mua có thể ẩn danh, một điểm cộng lớn cho bất kỳ ai muốn rửa tài sản một cách kín đáo. Cũng không có cơ chế nào ngăn chặn những kẻ rửa tiền tạo nhiều tài khoản và chuyển tài sản để che dấu vết.

Một số chuyên gia trong ngành tin rằng nguy cơ rửa tiền qua NFT là rất cao, cho rằng NFT có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho những người giàu có rửa tiền và trốn thuế, vì họ ít phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý và lập pháp.

Giao dịch rửa là gì?

Giao dịch rửa là giao dịch trong đó người bán ở cả hai phía của giao dịch vẽ nên một bức tranh sai lệch về giá trị và tính thanh khoản của một mặt hàng. Đối với NFT, giao dịch rửa lợi dụng thực tế là nhiều nền tảng cho phép người dùng giao dịch chỉ bằng cách kết nối ví của họ với nền tảng mà không cần phải xác định danh tính.

Một báo cáo năm 2022 đã tiết lộ rằng một số người bán đã thực hiện hàng trăm giao dịch rửa NFT. Trong khi hầu hết các nhà giao dịch rửa NFT không có lãi, thì 110 nhà giao dịch rửa có lợi nhuận hàng đầu đã kiếm được khoản lãi chung 8,9 triệu USD

Nhiều giao dịch mua tại các thị trường NFT cũng được chứng minh là đến từ các địa chỉ bất hợp pháp, sử dụng tiền bị đánh cắp hoặc đến từ các địa chỉ bị tình nghi.

Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro từ việc rửa tiền qua NFT?

Dưới đây là một số phương án giảm thiểu mà Viện Nghiên Cứu An ninh Quốc Phòng Hoàng Gia Anh (RUSI) đã đưa ra:

1.Đặt ra các quy định chung cho các công ty muốn tập trung vào NFT.

2. Thực hiện các chính sách xác minh danh tính (KYC) và giám sát liên tục, tương tự như các chính sách được sử dụng trong thị trường nghệ thuật truyền thống và tuân thủ các chính sách về trao đổi tiền điện tử.

3. Đảm bảo có tùy chọn xác thực hai yếu tố cho người dùng.

4. Xác định các biện pháp an ninh mạng được áp dụng để bảo vệ chống lại tin tặc.

5. Có thể phát triển sổ đăng ký NFT bị đánh cắp hoặc mua gian lận, mô phỏng theo Sổ đăng ký tổn thất nghệ thuật toàn cầu.

PCB Tổng hợp