Cùng CZ đàm luận về Quy định Pháp lý, Sàn giao dịch & Quyền riêng tư

2019-12-19

Hiện vẫn còn rất nhiều hiểu nhầm xoay quanh các quy định pháp lý, KYC, AML, quyền riêng tư, và đặc biệt là cách chúng có liên hệ với từng loại sàn giao dịch. Trong bài blog này, CZ sẽ chia sẻ những hiểu biết sâu rộng nhất của anh về các vấn đề này và hy vọng chúng cũng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bức tranh thị trường.

Mới đây, một người dùng của Binance Singapore đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy tài khoản của mình bị bộ phận chống rửa tiền và tội phạm tài chính (AML/CFT) “cắm cờ” vì sử dụng một dịch vụ che giấu nguồn gốc giao dịch. Bài đăng của anh này trên Twitter đã thu hút một số lượng không nhỏ bình luận từ cộng đồng. Quan trọng hơn, từ những bình luận đó, có thể thấy rõ vẫn còn đó rất nhiều hiểu nhầm xoay quanh quy định pháp lý, KYC, AML, quyền riêng tư và đặc biệt là mối quan hệ giữa chúng với các loại sàn giao dịch khác nhau.

Quy định Pháp lý

Quy định Pháp lý là một chủ đề rất rộng, vượt xa phạm vi mà bài viết nhỏ này có thể bao quát. Chúng ta sẽ cố giải thích mọi thứ một cách đơn giản nhất có thể. Tuy đây là một yếu tố mỗi nước mỗi khác, song vẫn có đó hai quy định cơ bản luôn xuất hiện ở tất cả các quốc gia: đó là KYC & AML.

KYC (nắm thông tin khách hàng) nghĩa là sàn giao dịch có nghĩa vụ phải hiểu rõ khách hàng của mình. Đấy là lý do sàn giao dịch nào cũng yêu cầu bạn phải cung cấp chứng minh thư, xác minh địa chỉ cư trú, v.v.

AML (phòng chống rửa tiền) nghĩa là sàn giao dịch phải phân tích từng giao dịch và đảm bảo chúng không có mối quan hệ gì với các âm mưu rửa tiền, hoạt động tội phạm hay lừa đảo.

Đối với cả KYC và AML, có một số tổ chức cung cấp dịch vụ đặc biệt chuyên đi phân tích thông tin cho các sàn giao dịch và nhà chức trách. Ở thế giới của tiền pháp định, ngân hàng sẽ đòi hỏi khách hàng cung cấp thông tin về nguồn gốc dòng tiền, xác minh địa chỉ cư trú, v.v. Còn trong thế giới tiền mã hoá, cũng có những nhà cung cấp dịch vụ chuyên đi phân tích các giao dịch on-chain và chấm các mức điểm khác nhau cho mỗi giao dịch. Đa phần các cơ quan quản lý đều yêu cầu sàn giao dịch phải sử dụng những bên thứ ba này. Đây không phải là thứ mà sàn giao dịch có quyền tự quyết. Nhiều người không hiểu rõ vấn đề nhưng lại quay sang phán xét sàn giao dịch. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này sau.

Sàn giao dịch

Giờ thì hãy cùng nhau điểm qua một số loại sàn giao dịch khác nhau nào.

Sàn giao dịch “đã được cấp phép”. Đây là các sàn giao dịch đăng ký hoạt động tại một quốc gia có quy định hoặc ít nhất là một bộ khung pháp lý rõ ràng. Có những nước sẽ cấp ra “giấy phép sàn giao dịch tiền mã hoá”. Những nước khác thì yêu cầu sàn giao dịch phải “đăng ký” với một cơ quan chuyên trách, còn có những nước thì chỉ cần sàn đăng ký nhận giấy phép cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Nhấn mạnh một lần nữa, mỗi nước sẽ có một quy định của riêng họ.

Sàn giao dịch “chưa được cấp phép”. Vì không thể tìm được thuật ngữ nào tốt hơn, chúng ta đành phải dùng khái niệm “chưa được cấp phép” tại đây. Đây thường là các sàn hoặc đăng ký hoạt động tại một quốc gia chưa có quy định về tiền mã hoá hoặc là không đăng ký thành lập công ty ở bất kỳ nước nào hết.

Sàn giao dịch Phi tập trung (DEX). Trong khi hai loại sàn giao dịch trên đa phần đều là sàn tập trung, số lượng sàn DEX đang hoạt động lúc này phải nói là khá khiêm tốn. Chúng thường được thiết lập trên một hợp đồng thông minh (smart contract) hoặc là blockchain. Số đông những sàn này đều không có nơi đăng ký hoạt động cụ thể nên thường được xem là “chưa được cấp phép”. Có từng mức độ phi tập trung khác nhau, thế nhưng có lẽ đây là một chủ đề để khi khác hãy quay lại.

Quyền riêng tư

Đa phần các quy định pháp lý đều đưa AML lên trên quyền riêng tư của người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc sàn giao dịch thường xuyên phải chạy các đợt kiểm tra AML. Các sàn không có quyền lựa chọn. À thực lòng mà nói thì có hai sự lựa chọn. 1. chạy các đợt kiểm tra AML, hoặc là 2. đừng hoạt động ở đây nữa. Phương án 2 phải nói là chẳng giúp ích gì cho ai phải không nào.

Tuy nhiên, với tư cách là một người dùng, bạn có những lựa chọn sau:

  1. Sử dụng một sàn giao dịch đã được cấp phép, biết rằng sàn sẽ âm thầm kiểm tra AML, tương tự như các ngân hàng. Xin hãy bảo đảm tuân thủ luật pháp khi giao dịch tiền mã hoá, dù bạn có sinh sống ở đâu đi chăng nữa. Nó sẽ giúp bản thân bạn và cả sàn giao dịch tránh được rất nhiều rắc rối. Việc chuyển qua lại giữa những sàn giao dịch thuộc kiểu này cũng chẳng thay đổi được gì đâu.

  2. Sử dụng một sàn giao dịch chưa được cấp phép, biết rằng đi kèm với đó sẽ là những rủi ro tương xứng. Hãy chọn lựa sàn một cách khôn ngoan.

  3. Sử dụng một sàn DEX. Chúng thường có thanh khoản khá thấp và không có khả năng tiếp cận đến tiền pháp định.

Nếu bạn thực sự quan tâm đến quyền riêng tư của mình, hãy cân nhắc sử dụng một đồng coin ẩn danh, công dụng của nó được thể hiện qua tên gọi luôn rồi đó.

Binance

Danh xưng Binance hiện đã vượt xa tên của chỉ một công ty hay một sàn giao dịch tập trung. Hiện có một nhóm các nền tảng giao dịch fiat-crypto đã được cấp phép đang sử dụng thương hiệu và công nghệ của Binance, bao gồm Binance Singapore, Binance.US, Binance Jersey, v.v. Tất cả chúng đều hoạt động độc lập và đảm bảo tuân thủ pháp luật địa phương. Bên cạnh đó, vẫn phải kể đến sàn giao dịch tập trung Binance.com cho người dùng toàn cầu. Và cũng có một nền tảng tên Binance DEX được vận hành trên Binance Chain bởi một nhóm các nhà phát triển đến từ cộng đồng.

Tại Binance, chúng tôi nỗ lực cung cấp cho các bạn các lựa chọn khác nhau cùng các mức riêng tư khác nhau. Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Mỗi lựa chọn luôn đi kèm với một sự thoả hiệp nhất định. Điều quan trọng là ta hiểu rõ tầm quan trọng của mỗi lựa chọn trước mắt và bản chất thế giới nơi mình đang sống. Tôi hy vọng bài viết này sẽ mở mang tầm hiểu biết cho bạn về những vấn đề trên hơn.

Chúng tôi tin quyền riêng tư là một đặc quyền cơ bản của mỗi người và luôn ủng hộ các sáng kiến đề cao tính riêng tư.

Như thường lệ, nếu có bất kỳ câu hỏi nào về Binance, các bạn có thể vô tư tag tôi vào trên Twitter, và tôi sẽ cố hết sức để giải đáp thắc mắc cho bạn. Chúng tôi luôn cam kết duy trì đối thoại công khai với cộng đồng người dùng.

CZ

CEO @Binance