Bitcoin liệu có phải là một tài sản “trú ẩn an toàn”? Nhận định từ CZ

2020-03-20

Sau một vài cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông, tôi đã quyết định chia sẻ cảm nghĩ của mình về một số chủ đề trong bài blog này. Nhiều câu hỏi đã được biên tập lại cho dễ hiểu. Các câu hỏi hoàn toàn là nhận định của cá nhân tôi và không đảm bảo là chính xác hoàn toàn. Hãy tự mình đánh giá. Đây không phải là lời khuyên tài chính.

Hỏi: Với việc thị trường tài chính toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, Bitcoin cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Liệu tiền mã hóa có thật sự là “đồng tiền phòng hộ”, “tài sản trú ẩn an toàn” hoặc “vật lưu trữ giá trị” như những người ủng hộ chúng vẫn thường hay khẳng định? Anh có lo lắng về triển vọng của Bitcoin hay tiền mã hóa không?

Đáp: Không, tôi chẳng lo cho tiền mã hóa chút nào. Những thứ cơ bản vẫn không thay đổi. Khác với tiền pháp định, Bitcoin vẫn là một đồng tiền có tổng cung cố định. Không ai có thể phát hành nó thêm được. Nhu cầu thì đang gia tăng, nhất là trong thời điểm hiện tại. Nó vẫn sẽ ổn thôi.

Thay vì phán xét nó theo kiểu “trắng-đen” là có phải “tài sản trú ẩn an toàn” hay không, chúng ta cần đi sâu hơn vào cách thế giới hoạt động. Có rất nhiều yếu tố và khung thời gian cần phải xem xét ở đây, nhưng trước tiên hãy dùng một phép so sánh.

Giả sử bạn có một chiếc phao, nó hoạt động và giúp bạn nổi lên trên mặt nước. Giờ thì nó được gắn với con tàu Titanic đang chìm dần. Vậy thì liệu chiếc phao có còn giúp bạn nổi lên nữa không? Tất nhiên là không rồi. Thế nhưng nguyên nhân có phải là vì bản thân chiếc phao không còn có thể nổi một cách bình thường nữa? Không, chiếc phao vẫn hoạt động bình thường… Nói đến đây chắc bạn cũng đã hiểu rồi đó.

Về cơ bản, Bitcoin và tiền mã hóa không thay đổi gì hết. Chúng vẫn hoạt động bình thường. Tổng cung của chúng vẫn cố định, không ai có thể phát hành thêm được nữa. Còn tiền pháp định thì lại đang được in thêm với một tốc độ kỷ lục, chúng ta rồi sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nhé.

Hỏi: Thế tại sao giá Bitcoin lại giảm?

Đáp: Bitcoin là một loại tài sản được giao dịch một cách tự do. Giá của nó được xác định bởi thị trường, hoặc tất cả các thành phần trong thị trường, thông qua hoạt động giao dịch. Lưu ý một lần nữa là có đủ loại người tham gia thị trường với các mục đích khác nhau, cùng rất nhiều yếu tố khác cần xem xét. Ở đây tôi chỉ đề cập đến hai khía cạnh.

Khía cạnh thứ nhất, những “tín đồ” crypto thật sự & những người mới vào.

Có những người thật sự tin tưởng vào tiềm năng của tiền mã hóa, chuyển phần lớn tài sản của mình sang dạng crypto. Họ hiếm khi bán crypto để đổi lấy fiat (trừ khi cần tiền để tiêu dùng), và chẳng còn dư tiền pháp định để mua thêm tiền mã hóa kể cả khi thị trường đi xuống. Nhóm này không quan trọng mấy. Họ không thể/không thèm giao dịch.

Song cũng có những người mới bước chân vào lĩnh vực crypto. Nhóm này có thể hoặc vẫn chưa hiểu hay tin vào tiền mã hóa. Khi họ cảm thấy rủi ro tăng lên, họ bán. Khi họ thấy tâm lý hoảng loạn cận kề, họ bán.

Rồi lại đến những người chưa bao giờ động vào tiền mã hóa. Họ cũng không quan trọng lắm với cuộc đối thoại này. Nhưng họ có lẽ sẽ là những người mua tiềm năng trong tương lai.

Khía cạnh thứ hai, những người có tiền nhàn rỗi & những người đang cố bươn chải với cuộc sống hàng ngày.

Có những người quản lý tốt tài chính (và cuộc sống) của mình để lúc nào cũng có một khoản tiền dự trữ. Khi khoản đầu tư của họ (vào chứng khoán hay crypto) giảm chút ít, họ vẫn cảm thấy ổn, vẫn có thể hứng chịu việc thị trường đi xuống mà không lo ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống. Nhiều người trong số họ còn chủ động đi “bắt đáy” nữa kìa.

Và lại có những người phụ thuộc vào những khoản lời trong ngắn hạn từ danh mục đầu tư của mình để có thể trang trải cho cuộc sống. Khi thị trường chứng khoán giảm, họ buộc phải bán crypto để đảm bảo còn tiền trong túi.

Chẳng ai biết tỷ lệ thật sự của các nhóm nhà đầu tư trên trong thị trường là bao nhiêu cả. Nó cũng sẽ thay đổi dần theo thời gian. Sức mạnh và lí do mua/bán của họ cũng sẽ tạo động lực cho thị trường. Khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, người ta sẽ thấy cần tiền mặt hơn bao giờ hết, và vì thế càng có thêm cớ để bán tiền mã hóa trong ngắn hạn.

Còn rất nhiều khía cạnh về nhân khẩu học và tâm lý trong thị trường, nhưng có thể bạn đã hiểu ý tôi rồi đó.

Kích thước

Kích thước là một thứ quan trọng đối với vấn đề ta đang bàn luận. Thị trường chứng khoán/tiền pháp định hiện lớn gấp 1000 lần so với thị trường tiền mã hóa. Khi thị trường chứng khoán suy thoái, một lượng lớn giá trị cũng bốc hơi theo, thường thì lớn gấp nhiều lần vốn hóa của thị trường crypto. Nó cũng giống như việc tàu Titanic đang chìm mà bạn lại đang bơi gần nó. Hiệu ứng kéo theo là có thật. Hãy bám vào một thứ gì đó không có liên kết với Titanic và cuối cùng bạn sẽ trở lại với bề mặt.

Virus corona

Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 không đi kèm với một đại dịch. Tâm lý sẽ có sự khác biệt đôi chút. Khi hiện tại tỷ lệ người sở hữu hay chấp nhận tiền mã hóa chỉ là khoảng 1/1000, nên nó vẫn chưa hữu dụng lắm khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó, khi người ta chứng kiến cảnh các quầy siêu thị bị vét sạch và thiếu thực phẩm, họ sẽ muốn tích trữ thêm tiền mặt. Vậy nên người ta càng có nhu cầu hay thậm chí là áp lực để chuyển khoản đầu tư của mình (chứng khoán hoặc crypto) về lại tiền mặt, xin nhắc lại lần nữa là trong ngắn hạn.

Theo lý thuyết, giá vàng đáng lý phải tăng, nhưng điều này đã không xảy ra. Tương tự, nguyên nhân cũng là vì các yếu tố khác: vàng rất khó vận chuyển, xác nhận, và giống như Bitcoin, chẳng mấy ai lại chấp nhận thanh toán tiền mua thực phẩm bằng vàng cả. Cũng có nhiều yếu tố phổ thông hơn như là “tốc độ” mà sẽ được đề cập ở dưới. Tuy nhiên, tôi tin vàng đang bước vào giai đoạn thoái trào, còn tất cả với Bitcoin thì mới chỉ là sự khởi đầu.

Về mặt tích cực, đại dịch virus corona dù có nguy hiểm đến cỡ nào thì cũng sẽ qua thôi. Sớm muộn gì cũng có người điều chế được vaccine. Hiện không có quốc gia nào là gặp vấn đề thiếu lương thực. Khi những người tích trữ tiền mặt dần dần nhận ra họ không cần chúng nữa, họ sẽ lại mang đi đầu tư.

Hỏi: Fed đang in thêm tiền, vậy sao giá Bitcoin vẫn chưa tăng? Giống như những gì người ta thường nói? 

Đáp: Có một khái niệm gọi là tốc độ. “Dần dần” chính là từ khóa then chốt của đoạn văn trước. Các thị trường thường không liên kết liền mạch với nhau. Tốc độ phản ứng giữa các thị trường khá chậm, cho chúng tôi muôn vàn cơ hội để bắt lấy. 

Fed thông báo là sẽ in thêm tiền, nhưng bạn đã nhận được chúng chưa? Chưa.

Các ngân hàng đã nhận được chúng chưa? Một số là rồi, nhưng đa phần vẫn chưa.

Bạn đã đi vay thêm tiền ở ngân hàng chưa? 

Bạn đã mua một chiếc xe mới bằng số tiền đã vay chưa? Khả năng cao cũng là chưa.

Mọi người đã mua thêm Bitcoin chưa? Chưa, phần lớn là vậy. Nhiều người thậm chí vẫn còn đang hoảng loạn vì không biết phải mua giấy vệ sinh ở đâu.

Những thay đổi này cần thêm thời gian để tác động lên nền kinh tế. Thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều với một số lượng dân số đông đến như vậy.

Tốc độ còn có những khía cạnh thực tiễn hơn. Vì sự thiếu hiệu quả trong hoạt động chuyển tiền fiat, người ta sẽ mất thêm thời gian để nạp tiền lên các sàn crypto và mua Bitcoin. Thị trường lúc này cũng có một sự trì hoãn như vậy.

Hỏi: Tiền mã không phải là tài sản trú ẩn an toàn à?

Đáp: Bạn hãy tự đưa ra nhận định của chính mình. Tôi cũng vậy.

Dù thế nào thì tôi hy vọng bạn sẽ hiểu là có nhiều yếu tố tác động lẫn nhau ở từng lúc. Đừng kỳ vọng giá Bitcoin sẽ đi lên khi Chỉ số Dow Jones đi xuống, hoặc ngược lại. Chúng không phải là các sản phẩm tài chính tương quan nghịch với nhau. Cùng lắm thì bạn chỉ nên short futures của Chỉ số Dow Jones.

Hỏi:  Vậy sao anh lại luôn luôn có thể lạc quan về tiền mã hóa vậy? Theo anh thì hệ thống tài chính toàn cầu đang gặp những vấn đề gì?

Đáp:  Về cơ bản, tôi tin hệ thống hiện tại (hoặc thường được tôi gọi là quá khứ) đã đổ vỡ hoàn toàn. Và Bitcoin có thể khắc phục điều đó.

Song chúng ta không nên “giận cá” mà “chém thớt”.

Để tôi lấy cho bạn một số ví dụ. Trong một cuộc họp ở Wall Street, bạn có bao giờ nghe nhà đầu tư hay chuyên gia đứng ra hỏi CEO rằng “ông có đang dự trữ đủ tiền mặt để giúp công ty vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc một đại dịch mà có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng không?” Hay là bạn lại nghe họ hỏi “Lợi nhuận của quý này là bao nhiêu? Có tiến triển gì mới? Ngay bây giờ ông đang làm gì để đẩy giá cổ phiếu lên, ngay bây giờ nhé, không phải tuần tới, không phải ngày mai, mà là hôm nay, ngay lúc này?”

Hãy tưởng tượng hai CEO đang trong phòng họp. Một người nói “chúng tôi sẽ dành ra 50% lợi nhuận của quý này để đề phòng bất trắc, giả dụ như đại dịch hoặc là khủng hoảng kinh tế”. Người còn lại nói “chúng tôi sẽ dành 95% lợi nhuận quý này để tiến hành mua lại cổ phiếu. Giá cổ phiếu sẽ đi lên…” Đoán xem ai là người sẽ nhận được tràng pháo tay và ai sẽ là người bị tống cổ ra khỏi phòng họp? Và đoán xem các CEO trước giờ được đào tạo để làm gì? Họ làm những thứ để mang lại lợi ích trong ngắn hạn.

Vậy có đúng để ta đổ lỗi cho CEO không? Chưa chắc nhé. Một số CEO còn tự xem mình là người hùng, hy sinh bản thân (đối mặt với rủi ro bị sa thải ngay khi khủng hoảng kinh tế vừa chớm nở) để “tối đa hóa lợi ích cho cổ đông” khi họ vẫn đang đương chức. Họ thường không hề nhắc đến các khoản thưởng cả trăm triệu USD mà họ nhận được. Nhưng nếu bạn đặt mình vào tình thế của họ, hoặc có cơ hội làm như họ, bạn có nỡ từ chối điều đó không? Liệu bạn có dám làm khác. Khả năng cao là không rồi. Đó là lý do vì sao nói hệ thống đã đổ vỡ hoàn toàn.

Hỏi: Thế tại sao các chính phủ lại cứ tiếp tục chi tiền ra cứu trợ cho những công ty này? 

Đáp: Trả lời ngắn gọn: Tôi không biết.

Trả lời dài dòng: Những công ty này có lẽ được xem là “quá lớn để có thể sụp đổ”. Một ngân hàng khi phá sản có thể khiến nhà đầu tư cá nhân phải gánh khoản thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đô la. 

Vậy tại sao lại không để cho các ngân hàng cứ phá sản đi, rồi sau đó in thêm tiền để bồi thường cho nhà đầu tư thay vì đi cứu ngân hàng. Tôi hoàn toàn muốn đồng ý với bạn. Nhưng có rất nhiều lý do.

Có lẽ làm vậy sẽ còn tốn kém hơn. Hồi năm 2008, ngân hàng Lehman cho khoản nợ lên đến 680 tỷ USD, trong khi tài sản của họ chỉ còn 22,5 tỷ, tương đương với việc thâm hụt đến 660 tỷ USD tiền của khách hàng. Đây mới chỉ là một ngân hàng, và mỗi quốc gia có hàng trăm cái giống như vậy nữa. Do đó, thà in thêm 2 nghìn tỷ USD nếu điều đó có thể khiến nhà đầu tư yên tâm. Đến lúc này, nó vẫn là cách ít tốn kém hơn.

Góc nhìn của dư luận cũng khác biệt. Khi in thêm tiền, người nộp thuế xem như đã bị cướp (trở nên nghèo hơn) một cách gián tiếp, nhưng họ lại chẳng than phiền gì mấy. Chứ không như nếu để một ngân hàng như Lehman phá sản, khi ấy mọi người sẽ biết chính xác ai là người để đổ tội, CEO/nhà quản lý/chính trị gia nào đã mắc sai phạm, v.v. Nếu in tiền thì mọi người đều giữ được thể diện và vui vẻ, trừ những nhà đầu tư nhỏ lẻ mà đã trở nên nghèo hơn mà thôi. Nhưng vì họ không nhận thức được điều đó, phải không nào, nên “Trái Đất vẫn quay mà thôi”.

Hỏi: Điều này khác gì sẽ lại tạo thêm những vấn đề nghiêm trọng hơn sau này? 

Đáp: Chắc chắn rồi. Nhưng đấy sẽ là vấn đề của kẻ khác. Vài năm sau, sẽ có những người khác phải giải quyết nó. Nhưng đáng buồn thay, họ cũng chẳng còn cách nào khác ngoài chơi theo luật cũ. Nhưng vị CEO đó cũng sẽ nhận lại thù lao cao, nên vẫn ok thôi.

Hãy quay lại với chủ đề vì sao tôi luôn lạc quan về tiền mã hóa.

Bitcoin khắc phục được vấn đề này. Với tiền mã hóa, mọi thứ sẽ khác. Sẽ chẳng có gói cứu trợ nào từ chính quyền, chí ít là theo cách in thêm tiền. Cái vòng luẩn quẩn sẽ bị phá vỡ. Nhưng nó sẽ không giải quyết tất cả vấn đề một cách thần kỳ. Vẫn sẽ có công ty phá sản, vẫn có người dùng bị thiệt. Vẫn còn đó nhu cầu kiếm lời trong ngắn hạn to lớn từ nhà đầu tư. Nhiều CEO vẫn sẽ chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt mà bỏ qua tầm nhìn tăng trưởng bền vững lâu dài. Nhưng những công ty như vậy sẽ rất khó lớn mạnh. Không thể giải quyết dứt điểm được vấn đề này.

Cũng vì những nguyên nhân ở trên, tôi ít khi bày tỏ thái độ ghét hoặc trực tiếp công kích bất kỳ ai. Làm vậy chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi bạn đã nhìn nhận được tổng thể bức tranh, bạn sẽ thấy chính hệ thống đã ép họ làm như vậy.

Hiện tại và năm 2008 có gì khác nhau không?

Có, tôi tin là có sự khác biệt. Năm 2008, nền kinh tế toàn cầu không bị gián đoạn bởi một đại dịch. Nhưng tôi tin rằng virus corona chỉ là chất xúc tác kích hoạt, chứ không phải nguyên nhân gốc rễ. Nền kinh tế của chúng ta nên mạnh hơn, ít nhất là đủ mạnh để vượt qua những cú sốc như vậy.

Quan trọng hơn cả, vào năm 2008, chúng ta không có nhiều lựa chọn ngoài việc hy vọng rằng hệ thống mà đã gây nên tất cả những vấn đề này bằng một cách thần kỳ nào đó sẽ tự phục hồi lại. Nhưng lần này, mọi người sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Hãy “long” Bitcoin và “short” ngân hàng đi nhé.

CZ